"Chỉ tàu điện một ray mới có khả năng thu hồi vốn, các
tàu khác nhà nước đều phải bù lỗ. Giá vé sẽ phù hợp với cán bộ viên
chức, sinh viên", ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai
khẳng định.
>Đề
xuất xây tàu điện một ray ở Hà Nội để giảm ùn tắc/'Cần
nghiên cứu kỹ xây tàu điện một ray ở Hà Nội'
- Là đại diện đơn vị đề xuất xây tàu điện trên
tuyến Hòa Lạc - hồ Tây, ông nói gì về ưu và nhược điểm của tàu điện một
ray so với loại hình hai ray?
- Tàu hai ray có thể chuyên chở số hành khách lớn, tốc
độ cao nên phù hợp với quãng đường dài. Tàu một ray phù hợp với cự ly
ngắn và tốc độ trung bình đạt 70-80 km/h. Ví dụ Trung Quốc phát triển
tàu điện một ray cho khoảng cách từ 20 đến 40 km, những tuyến dài hơn sẽ
sử dụng tàu hai ray.
Ưu điểm của tàu điện một ray trên cao là nguồn vốn đầu
tư ít hơn. Tổng đầu tư 8 triệu USD/km, bằng khoảng 1/5 so với tàu hai
ray. Có tuyến tàu điện hai ray như Nhổn - ga Hà Nội chi phí tới 70 triệu
USD/km do giải phóng mặt bằng rất nhiều. Trong giai đoạn hiện nay thì
ưu điểm này rất quan trọng bởi tiềm lực tài chính của nước ta còn hạn
chế.
Tàu điện chạy trên cao, mỗi trụ cách nhau 30 m, diện
tích chiếm đất mỗi trụ 1-2 m2 nên không cần nhiều đất, có thể tận dụng
dải phân cách giữa hai làn đường.
- Tại sao Vinaconex lại đề xuất tuyến Hòa Lạc - hồ
Tây để xây dựng tàu điện một ray?
- Tuyến đường này có ưu điểm là giải phóng mặt bằng
không đáng kể. Dọc tuyến Láng - Hòa Lạc giữa đường gom phải và cao tốc
phía bên phải có dải đất rất rộng. Từ vành đai 3 trở về đường Trần Duy
Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Văn Cao đều có dải phân cách đủ
rộng để xây dựng tàu một ray. Do vậy, công tác giải phóng mặt bằng đơn
giản, có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Diện tích xây dựng ga cũng rất nhỏ, ví dụ ở Malaysia
xây nhà ga ở trên cao, trùm qua một khoảng không, có cầu thang từ vỉa hè
lên. Chỉ có ga sửa chữa và tàu chờ là tốn diện tích, chúng ta có thể bố
trí xa trung tâm.
 |
Tàu điện một ray ở Hàn Quốc. Ảnh: Vinaconex. |
Trong những năm sắp tới sẽ có hàng loạt khu đô thị bên
tuyến đường, đô thị vệ tinh Hòa Lạc được quy hoạch 500.000-600.000 dân
nên rất cần tuyến tàu điện phục vụ người dân đi lại. Trên tuyến sẽ bố
trí 14 ga, đầu tư ban đầu vận chuyển một ngày 60.000 lượt khách.
Mỗi đoàn tàu có thể cách nhau chỉ 90 giây. Chúng ta có
thể tăng số đoàn tàu rất dễ bởi loại tàu này chuyển động theo động cơ
phân tán.
- Ông nghĩ sao trước nhiều ý kiến e ngại
về tính an toàn của tàu điện một ray khi chạy trên cao?
- Tôi chưa thống kê nhưng khẳng định nhiều
nước trên thế giới có tàu điện một ray như Malaysia, Trung Quốc, Nhật
Bản, Nga, Mỹ, Canada... Thực ra phương tiện này xuất hiện hàng trăm năm
nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển thì ngày một hoàn thiện. Với hệ
thống nhỏ gọn nên có thể đầu tư 2 đường riêng, một chiều đi một chiều
về. Từ 100 năm nay, tôi được biết chưa có vụ tai nạn nào với loại hình
này.
- Vận hành tàu điện dễ bị lỗ do chi phí đầu tư
cao, chủ đầu tư tính toán vấn đề này thế nào, hay lại yêu cầu thành phố
Hà Nội trợ giá vé?
- Giá vé chưa được chúng tôi tính toán cụ thể. Tuy
nhiên, chắc chắn phải là giá rẻ để phục vụ cho người thu thập thấp, sinh
viên, công nhân viên chức, hằng ngày đi làm và đi học. Thời gian thu
hồi vốn có thể 20-30 năm.
Theo kinh nghiệm của thế giới, chỉ có tàu một ray nhà
đầu tư mới có khả năng thu hồi vốn, các tàu khác thì nhà nước đều phải
bù lỗ.
- Khi ý thức của người tham gia giao thông chưa
cao, ông nghĩ gì trước khả năng người dân khó thích nghi loại hình giao
thông hiện đại này?
- Tôi cho rằng thói quen giao thông của người dân sẽ
dần thay đổi. Người dân được đi trên một phương tiện không bị ách tắc,
chạy đúng giờ, như một tuyến đường 20 km với 10 ga thì chỉ mất 10-15
phút là đi đến đích.
Tuyến tàu điện một ray thanh mảnh với đường cua, đường
cong gọn nhẹ bên những tòa nhà cao tầng sẽ là nét đẹp giữa thủ đô. Hành
khách đi tàu điện trên cao sẽ ngắm xung quanh thích thú hơn với khi đi
trên mặt đất. Khi có hệ thống giao thông này thì người dân sẽ có thói
quen đi tàu điện.
- Trong tình trạng thiếu điện hiện nay, tàu sẽ
được vận hành như thế nào khi thiếu điện?
- Nguồn cung cấp năng lượng cho tàu có 2 loại. Một là
dùng điện một chiều cấp dọc theo tuyến đường, lấy từ điện lưới. Hài là
hệ thống chuyển động từ động cơ diezen chỉnh lưu thành dòng điện một
chiều để phục vụ chạy tàu. Chúng tôi đang cân nhắc chọn loại hình.
Với tình hình cấp điện như ở Việt Nam hiện nay sẽ ảnh
hưởng nhiều tới việc vận hành tàu. Tuy nhiên, nếu thiếu điện tức thời
thì có hệ thống máy phát dự phòng.
Đoàn Loan