Nhà
ở xã hội sẽ không bị khống chế số tầng (ảnh minh họa)
Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định 71 quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở vừa được ban hành. Theo đó,
đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không phải từ
ngân sách nhà nước để phục vụ cho các đối tượng là công nhân, người lao
động trong khu công nghiệp, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị thì
tiêu chuẩn thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư không quá 70m2.
Chủ đầu tư không bị khống chế số tầng, được điều chỉnh tăng mật độ
xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn xây dựng hiện
hành, phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng theo nghị đình, đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội
cũng không chỉ bó hẹp tầng lớp cán bộ, công chức, sỹ quan, quân nhân
chuyên nghiệp, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, học
sinh-sinh viên mà còn bao gồm cả các đối tượng đã trả lại nhà công vụ.
Trường hợp được thuê mua nhà ở xã hội thì ngoài các điều kiện như có
khó khăn về nhà ở, có mức thu nhập hàng tháng của hộ gia đình dưới mức
bình quân của địa phương thì còn phải có khả năng thanh toán lần đầu
bằng 20% giá trị của nhà ở thuê mua.
Trong trường hợp bán trả chậm, trả dần thì trừ trường hợp các bên có
thỏa thuận khác, thời hạn mua trả chậm tối thiểu là 10 năm kể từ ngày ký
hợp đồng mua bán nhà ở. Còn thời hạn thu hồi vốn đối với nhà ở cho thuê
tối thiểu là 20 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê.
Người thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới
bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Họ
chỉ được phép bán, cho thuê nhà ở đó sau khi đã được cấp giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ
ngày ký hợp đồng mua bán, hợp đồng cho thuê nhà ở xã hội.
Lan Hương